Trang chủ » Vẫn còn dư địa kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra

Vẫn còn dư địa kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra

Trước những lo ngại lạm phát tăng cao do một số hàng hóa thiết yếu thời gian qua liên tục đà tăng giá, Ông Nguyễn Anh Tuấn-Cục trưởng Cục Quản lý giá ngày 21/5/2021 đã có bài trả lời phỏng vấn Thời báo Tài chính, đưa ra những phân tích, đánh giá về biến động mặt bằng giá thời gian qua và dự báo những yếu tố chủ yếu tác động đến giá cả thời gian tới, tính toán dư địa còn lại và những giải pháp để kiểm soát CPI bình quân cả năm ở mức 4% theo mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đề ra.

PV: Những biến động tăng giá đối với một số hàng hóa thiết yếu thời gian qua, cùng với diễn biến lạm phát nhiều nước trên thế giới tăng, ảnh hưởng từ khủng hoảng địa chính trị tại một số khu vực, đã dấy lên những lo ngại về áp lực lạm phát ngày càng tăng trong thời gian tới. Đây có phải là những yếu tố gây áp lực lớn lên mặt bằng giá trong thời gian tới không, thưa ông?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Những diễn biến tăng giá một số hàng hóa thiết yếu và diễn biến lạm phát nhiều nước trên thế giới trong năm 2021 đã được Bộ Tài chính và các Bộ, ngành dự báo trong kịch bản điều hành giá và báo cáo Thủ tướng Chính phủ ngay từ cuối năm 2020. Tuy đây là áp lực lớn lên mặt bằng giá trong nước nhưng đây là nhân tố đã được tính toán trong các kịch bản điều hành giá nên cũng đã có giải pháp để chủ động điều hành giá trong nước nhằm kiểm soát lạm phát cả năm 2021 bình quân ở mức dưới 4%.

Mặt bằng giá cả thị trường trong 5 tháng qua diễn biến theo hướng tăng cao, một số mặt hàng tăng theo quy luật vào tháng 1 và tháng 2 là các tháng diễn ra Tết Nguyên đán sau đó giảm liên tiếp trong các tháng tiếp theo. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) so với tháng trước của tháng 1/2021 tăng ở mức 0,06%, tháng 2/2021 tăng 1,52%, tháng 3/2020 giảm 0,27%, tháng 4 giảm 0,04%. CPI bình quân 4 tháng đầu năm 2021 tăng 0,89%, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016.

Trong đó, một số yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá như: Nhu cầu mua sắm tăng theo quy luật vào dịp đầu năm chuẩn bị Tết Nguyên đán khiến mặt bằng giá tháng 1, tháng 2 ở mức cao; Giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng gạo nếp và gạo tẻ ngon trong dịp Tết Nguyên đán tăng cao; Giá mặt hàng xăng dầu, LPG tăng do tác động từ giá xăng dầu thế giới. Một số mặt hàng có giá tăng do nguyên liệu đầu vào cũng như nhu cầu tăng như thức ăn chăn nuôi, vật liệu xây dựng (đặc biệt là giá thép). Đối với mặt hàng do Nhà nước định giá, thời gian vừa qua dịch vụ vận chuyển hàng không có sự điều chỉnh kết cấu chi phí trong giá, tuy nhiên việc điều chỉnh này phải bảo đảm mức giá vé máy bay vẫn trong khung giá do cơ quan có thẩm quyền nhà nước quy định (hiện nay, khung giá dịch vụ vận chuyển hàng không được quy định tại Thông tư số 17/2019/TT-BGTVT ngày 3/5/2019). Trong thời gian tới, một số mặt hàng dự báo có thể tiếp tục có biến động tăng theo giá thế giới như giá nhiên liệu, đáng chú ý là xăng dầu, thép, thức ăn chăn nuôi. Giá gạo trong nước có khả năng nhích tăng nhẹ do giá thế giới có thể tăng trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp; nguồn cung trong nước hiện bị hạn chế hơn khi các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch hết lúa vụ Đông Xuân.

Tuy nhiên, cũng có nhiều yếu tố làm giảm áp lực lên mặt bằng giá. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhu cầu đi lại, du lịch của người dân giảm so với cùng kỳ năm trước làm cho giá vé máy bay, giá vé tàu hỏa, dịch vụ du lịch trọn gói giảm trong những tháng đầu năm, và dự kiến vẫn sẽ ở mức thấp trong thời gian tới trong bối cảnh tình hình dịch Covid 19 vẫn diễn biến phức tạp như hiện nay. Giá các dịch vụ bưu chính cơ bản giữ giá ổn định, không tăng giá hoặc giảm nhẹ. Giá một số mặt hàng thực phẩm nhìn chung chỉ tăng theo quy luật vào dịp Tết song sớm trở lại mức bình thường, dự kiến thời gian tới có thể ổn định hoặc giảm nhẹ do nguồn cung trong nước dồi dào. Bên cạnh đó, công tác quản lý, điều hánh giá tiếp tục được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng-Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bình ổn thị trường, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Nhờ vậy, nguồn cung hàng hóa tiêu dùng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân được đảm bảo tốt, thị trường được bình ổn kể cả trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát và thực hiện giãn cách xã hội.

PV: Dư luận gần đây lo ngại việc tăng nóng của mặt hàng thép đã ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất và tiêu dùng, Bộ Tài chính đã có biện pháp gì để góp phần chặn đà tăng của mặt hàng này?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Trong vai trò là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo điều hành giá, Bộ Tài chính đã luôn cập nhật diễn biến giá thép xây dựng và thông tin kịp thời tại báo cáo Ban chỉ đạo điều hành giá. Trong các kịch bản điều hành giá Quý I/2021 và các tháng còn lại của năm 2021 đã tính đến các diễn biến tăng giá vật liệu xây dựng, trong đó có giá thép. Theo quy định tại Luật giá thì mặt hàng thép xây dựng không nằm trong danh mục các mặt hàng nhà nước định giá, bình ổn giá, đây là mặt hàng doanh nghiệp tự định giá. Vì vậy, cần ưu tiên các giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu; kiểm tra, ngăn chặn và xử lý kịp thời hiện tượng lợi dụng tăng giá nguyên liệu đầu vào để tăng giá bất hợp lý. Hiện Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện một số giải pháp cụ thể.

Vừa qua, trên cơ sở đề xuất của Bộ Tài chính về giải pháp quản lý giá thép, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại văn bản số 3025/VPCP-KTTH ngày 08/5/2021 đã giao Bộ Công Thương nghiên cứu có các biện pháp thúc đẩy tăng năng lực sản xuất thép thành phẩm trong nước, hướng tới đáp ứng được cơ bản nhu cầu trong nước; nghiên cứu điều chỉnh sự mất cân đối cung ứng sản phẩm thép trên thị trường để ưu tiên thị trường trong nước thông qua việc điều chỉnh, cân đối khối lượng xuất khẩu thép thành phẩm; Giao Bộ Xây dựng chủ động nghiên cứu, hướng dẫn thay đổi công nghệ xây dựng nhằm giảm tải lượng thép tiêu thụ trong các công trình xây dựng.

Tiếp sau đó, tại công văn số 3185/VPCP_KTTH ngày 15/5/2021, Phó Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Công Thương báo cáo gấp về tình hình sản xuất, nhập khẩu, tiêu thụ thép năm 2020 và những tháng đầu năm 2021; nguyên nhân giá thép tăng đột biến và đề xuất các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định sản xuất, góp phần bình ổn giá thép thời gian tới.

PV: Không chủ quan bởi áp lực lạm phát năm 2021 vẫn hiện hữu và sẽ tăng dần từ nay đến cuối năm. Chắt lọc những kinh nghiệm trong điều hành giá thành công thời gian qua, với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá, Bộ Tài chính có giải pháp gì để thực hiện kiểm soát lạm phát theo đúng mục tiêu đề ra, thưa ông?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Trên cơ sở việc đánh giá dự báo xu hướng các mặt hàng quan trọng thiết yếu là trọng tâm của công tác quản lý, điều hành giá trong năm 2021, kết hợp với đánh giá về lạm phát cơ bản của Ngân hàng nhà nước, theo ước tính của Bộ Tài chính, nếu giả định CPI các tháng còn lại tăng đều một tỷ lệ như nhau thì trong những tháng còn lại, CPI mỗi tháng vẫn còn nhiều dư địa (theo tính toán phân tích dự báo của Cục thì dư địa tăng 0,84% mỗi tháng) để đảm bảo mục tiêu kiểm soát dưới 4%. Do vậy, có thể thấy nếu không có những yếu tố quá đột biến xảy ra, việc kiểm soát CPI bình quân cả năm 2021 ở mức khoảng 4% là vẫn trong tầm kiểm soát của Chính phủ, của Ban Chỉ đạo điều hành giá. Tuy nhiên vẫn còn tiềm ẩn rủi ro đối với công tác kiểm soát lạm phát đến từ tình hình thế giới như giá nhiên liệu, phôi thép, thép phế thế giới có thể diễn biến tăng cao đột biến, giá xăng dầu tiếp tục tăng tác động làm giá trong nước tăng theo; bên cạnh đó, dịch bệnh diễn biến phức tạp có thể tác động làm tăng giá cục bộ một số mặt hàng tại một số địa phương làm ảnh hưởng tâm lý chung, căng thẳng thương mại tại các quốc gia, nhất là Mỹ – Trung Quốc, căng thẳng địa – chính trị tại nhiều vùng lãnh thổ.

Để thực hiện việc kiểm soát lạm phát theo đúng mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đề ra đề ra, trong thời gian còn lại của năm 2021, Bộ Tài chính đã phối hợp với các Bộ, ngành báo cáo Thủ tướng Chính phủ diễn biến mặt bằng giá những tháng đầu năm và đề xuất giải pháp điều hành giá những tháng còn lại. Theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã có ý kiến chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tại văn bản số 3025/VPCP-KTTH ngày 08/5/2021 về công tác quản lý, điều hành giá trong đó tập trung các biện pháp:

– Tiếp tục thực hiện công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát năm 2021 một cách thận trọng, linh hoạt và chủ động, tập trung vào việc hỗ trợ thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ, vừa giữ ổn định mặt bằng giá để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân, vừa hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; chủ động, phối hợp chặt chẽ nghiêm túc triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá; tăng cường kiểm tra chuyên ngành, chuyên đề về giá, giám sát giá cả thị trường, kịp thời tham mưu cho các cấp có thẩm quyền điều hành giá cả cho phù hợp với nguyên tắc thị trường và điều hành kinh tế vĩ mô.

– Tiếp tục điều hành chính sách tài khóa chủ động, phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, đồng thời góp phần hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Tiếp tục kiểm soát lạm phát cơ bản trong năm 2021 để tạo cơ sở cho việc kiểm soát lạm phát chung.

– Theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu nhất là đối với một số mặt hàng thiết yếu có nhu cầu tiêu dùng cao vào dịp nghỉ lễ, cao điểm du lịch. Chủ động chuẩn bị các nguồn hàng dự trữ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng để tránh tình trạng khan hiếm đẩy giá tăng.

– Tăng cường công tác dự báo, phân tích giá cả, để chủ động xây dựng các kịch bản điều hành giá theo tháng/quý/năm để có phương án điều hành giá phù hợp từng giai đoạn đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát. Trong đó, chú trọng việc đánh giá, tính toán, xây dựng kịch bản điều hành giá đối với các mặt hàng do Nhà nước quản lý; các hàng hóa thiết yếu có tác động ảnh hưởng đến CPI. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về chủ trương, biện pháp bình ổn giá, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần tạo ra sự đồng thuận trong xã hội để hạn chế tối đa các tác động tăng giá do yếu tố tâm lý, kỳ vọng lạm phát.

– Thực hiện rà soát để sửa đổi, bổ sung ngay một số văn bản quy phạm pháp luật có vướng mắc, chồng chéo, nhất là những vấn đề về chức năng, nhiệm vụ trong quản lý điều hành giá; đồng thời chủ động các khâu thuộc quy trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật quy định giá một số hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá để có thể điều chỉnh giá tại các thời điểm thích hợp; tiếp tục nghiên cứu tổng kết đánh giá thi hành Luật giá và các văn bản hướng dẫn. Trong dài hạn, tiếp tục đẩy mạnh các khâu thuộc quy trình để đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật giá cho phù hợp với quan điểm, nguyên tắc và tính thống nhất, đồng bộ trong xây dựng pháp luật; đáp ứng yêu cầu quản lý kinh tế thị trường, phát triển kinh tế xanh và bền vững. Qua đó, hướng đến mục tiêu khắc phục triệt để những tồn tại, hạn chế phát sinh trong thời gian qua, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá.

– Đồng thời, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, vừa qua, Bộ Tài chính đã có công văn số 4896/BTC-QLG ngày 14/5/2021 đề nghị Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục tăng cường công tác quản lý và thông tin giá cả thị trường tại địa phương. Bộ Công Thương cũng ban hành Chỉ thị số 07/CT-BCT ngày 12/5/2021 yêu cầu các đơn vị nhanh chóng triển khai các phương án xử lý các biến động bất thường của thị trường nhằm đảm bảo cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường hàng hóa, chống các hành vi đầu cơ, găm hàng và các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại.

Theo Cổng thông tin Cục Quản lý giá