Trang chủ » Góp ý Dự thảo “Thông tư, sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 38/2014/TT-BTC ngày 28/3/2014 của Bộ Tài chính

Góp ý Dự thảo “Thông tư, sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 38/2014/TT-BTC ngày 28/3/2014 của Bộ Tài chính

HỘI THẨM ĐỊNH GIÁ VIỆT NAM

_________________

Số:  42 /2021/CV- HTĐGVN

V/v: Góp ý Dự thảo “Thông tư, sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 38/2014/TT-BTC ngày 28/3/2014 của Bộ Tài chính”.

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

__________________

Hà Nội, ngày 23 tháng 3 năm 2021

 

                              Kính gửi:- Bộ Tài chính

                                             – Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

         Hội Thẩm định giá Việt Nam nhận được Công văn số 2199/BTC-QLG ngày 18/3/2021 của Bộ Tài chính và Công văn số 0340/PTM-PC ngày 18/3/2021 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đề nghị có ý kiến góp ý Dự thảo của Bộ Tài chính về: “Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 38/2014/TT-BTC ngày 28/3/2014 hướng dẫn một số điều của Nghị định số 89/2013/NĐ-CP ngày 6/8/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giá về thẩm định giá”; Sau khi nghiên cứu, Hội Thẩm định giá Việt Nam có ý kiến như sau:

         1. Tại khoản 1, sửa đổi, bổ sung Điều 3 của Điều 1 Dự thảo trong đó có bổ sung Khoản 1, Điều 3 nội dung: “thẩm định viên về giá chỉ được đăng ký hành nghề tại 01 (một) doanh nghiệp thẩm định giá tại một thời điểm”.

         Nội dung này tại Điểm b, Khoản 4, Điều 10 Luật Giá đã quy định như sau:

         “4. Đối với thẩm định viên về giá hành nghề, ngoài các quy định tại Khoản 3 Điều này, không được thực hiện các hành vi sau:

         a) …

         b) Đăng ký hành nghề thẩm định giá trong cùng một thời gian cho từ hai doanh nghiệp thẩm định giá trở lên”

         Thông tư số 38/2014/TT-BTC ngày 28/3/2014 của Bộ Tài chính Khoản 1, Điều 3 cũng đã hướng dẫn như Luật Giá:

         “Thẩm định viên về giá không được đăng ký hành nghề thẩm định giá trong cùng một thời gian cho từ hai doanh nghiệp thẩm định giá trở lên.

         Với quy định của Luật Giá và hướng dẫn của Bộ như trên, đề nghị: Bỏ đoạn sửa của Dự thảo (không sáng nghĩa), giữ như quy định của Luật Giá và hướng dẫn hiện hành.

         2. Để quản lý chặt chẽ, thực chất việc đăng ký hành nghề của doanh nghiệp thẩm định giá cho thẩm định viên về giá, đề nghị trong hồ sơ mà doanh nghiệp phải nộp cần bổ sung thêm:

         “Bản sao chứng thực hoặc sao y bản chính danh sách thực tế thẩm định viên về giá được doanh nghiệp nộp bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành”.

         Quy định như trên là có cơ sở pháp lý vì: Nội dung này được quy định chung tại Điểm d, Khoản 1, Điều 14, Nghị định số 89/2013/NĐ-CP ngày 6/8/2013 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giá về thẩm định giá “Bản sao Hợp đồng lao động hoặc phụ lục Hợp đồng lao động (nếu có) của các thẩm định viên về giá hành nghề tại doanh nghiệp” mà nội dung của Hợp đồng lao động được quy định tại Điểm i, Khoản 1, Điều 21 của Bộ Luật Lao động, gồm: “…Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp…”

         3. Các quy định và hướng dẫn về nghĩa vụ Báo cáo kết quả thẩm định giá, Chứng thư thẩm định viên về giá hành nghề có những bất cập cần được hướng dẫn rõ 2 nội dung sau:

·  Thứ nhất: Quy định thẩm định viên phải ký ít nhất 10 bộ Chứng thư thẩm định giá và Báo cáo kết quả thẩm định giá trong năm được thông báo hành nghề, vậy thì:

         – Các Chứng thư và Báo cáo giải trình về định giá đất theo yêu cầu của Ngành Tài nguyên – Môi trường có được tính trong 10 Chứng thư này không? (Khi kiểm tra chất lượng thẩm định giá của doanh nghiệp thẩm định giá là không xét đến).

         – Trong trường hợp: Doanh nghiệp thẩm định giá được Bộ Tài chính cấp phép hoạt động thẩm định giá nhưng hoạt động tư vấn giá đất (Định giá đất theo Thông tư 36/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho ngành Tài nguyên – Môi trường là chính không đủ số Chứng thư theo quy định thì giải quyết thế nào?

·       Thứ hai: Nếu thẩm định viên không ký đủ 10 Chứng thư trong năm thì không được đăng ký hành nghề cho năm tiếp theo. Với quy định này sẽ dẫn đến hệ quả: Loại bỏ vĩnh viễn thẩm định viên ra khỏi ngành nghề nếu trong năm không ký đủ 10 Chứng thư vì năm nay không ký đủ 10 Chứng thư, sang năm không được hành nghề sẽ không được ký Chứng thư, lấy đâu ra 10 Chứng thư cho năm kế tiếp… quá trình này sẽ diễn ra tiếp tục trong những năm kế tiếp nữa… và như vậy đối với doanh nghiệp có số lượng thẩm định viên ít gặp phải tình trạng này có thể dẫn đến phá sản.

         4.Về vấn đề kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia: cần hướng dẫn rõ cơ chế: Bắt buộc hay thỏa thuận, khuyến khích. Đây không chỉ là vấn đề lợi ích vì doanh nghiệp muốn xây dựng được cơ sở dữ liệu đúng nghĩa phải tốn kém về kinh phí, mặt khác đây còn mang tính chất bí mật kinh doanh của từng doanh nghiệp.

         5. Đề nghị xem xét lại loại hồ sơ nào phải “công chứng” loại nào phải “chứng thực” loại nào chỉ cần “sao y bản chính” và loại nào chỉ cần “bản sao” nhằm giảm bớt thủ tục hành chính và đỡ tốn kém cả về thời gian, kinh phí cho thẩm định viên.

         Đồng thời rà soát để bảo đảm tính thống nhất giữa nội dung hướng dẫn chính và phụ lục, ví dụ:

         Phụ lục 1A, 1B chỉ yêu cầu: Bản sao chứng thực hoặc sao y bản chính: “Thẻ thẩm định viên về giá do Bộ Tài chính cấp”; “Giấy chứng nhận bồi dưỡng kiến thức chuyên môn về thẩm định giá”; “Văn bản chấm dứt hợp đồng lao động…”. “Hợp đồng lao động và phụ lục…”. Tuy nhiên, tại nội dung hướng dẫn chính Dự thảo lại yêu cầu đều là phải “Bản sao công chứng…”?

         Trên đây là một số góp ý của Hội Thẩm định giá Việt Nam, kính đề nghị Quý Bộ xem xét, quyết định.

 

Nơi nhận:

– Như trên

– Các thành viên BCH Hội và các hội viên.

– Các Ban: Ban Pháp chế, Ban Nghiên cứu và chuyển giao khoa học TĐG.

– Đăng website.

– Lưu VP

CHỦ TỊCH

 

(đã ký) 

 

Nguyễn Tiến Thỏa